Giá bán: Liên hệ
VHLSS là tên viết tắt của Vietnam Household Living Standard Survey. Một số thuật ngữ tương đương được sử dụng thay thế cho nhau như: Bộ dữ liệu Điều tra mức sống hộ gia đình, Bộ dữ liệu Điều tra mức sống dân cư, Bộ dữ liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình, Bộ dữ liệu VHLSS.
Để đánh giá mức sống phục vụ hoạch định chính sách và lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Tổng cục Thống kê (TCTK hoặc GSO) đã tiến hành nhiều cuộc điều tra mức sống hộ gia đình. Đặc biệt từ năm 2002 đến nay, TCTK tiến hành Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam 2 năm một lần vào những năm chẵn nhằm theo dõi và giảm sát một cách có hệ thống mức sống các tầng lớp dân cư Việt Nam; giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo; góp phần đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Đối tượng, đơn vị và phạm vi khảo sát:
Phạm vi của cuộc khảo sát là các hộ gia đình và xã/phường lựa chọn trong 64 tỉnh thành.
Đối tượng khảo sát gồm các hộ gia đình, thành viên các hộ gia đình và các xã/phường. Mỗi đơn vị khảo sát là một hộ hay một xã/phường được chọn.
Thiết kế mẫu
Loạt khảo sát VHLSS thực hiện từ năm 2002 đến năm 2010 dựa trên mẫu cơ bản để lựa chọn mẫu. Mẫu cơ bản là mẫu ngẫu nhiên từ các khu vực được liệt kê/địa bàn điều tra (EA, enumeration area) của cuộc Tổng điều tra dân số năm 1999. Tương tự, Tổng điều tra dân số năm 2009 sẽ cung cấp thông tin cho việc thiết kế và thực hiện mẫu mới từ sau năm 2012 trở đi.
Từ các vũng mẫu này, nhiều mẫu hộ gia đình sẽ được lựa chọn cho các cuộc điều tra khác nhau hoặc cho các năm điều tra khác nhau đối với các panel quay vòng như VHLSS. Mẫu cơ bản sử dụng cho VHLSS là mẫu có hai cấp độ, cấp độ 1 là cấp xã và cấp độ 2 là 3 EA mỗi xã. Các xã được phân tầng theo tỉnh và khu vực nông thôn/thành thị. Cả hai cấp độ xã và EA được lựa chọn theo xác xuất tỷ lệ với quy mô (Probability Proportional to Size: PPS), quy mô của mỗi xã hay mỗi EA được tình theo số hộ dựa trên kết quả của cuộc Điều tra dân số năm 1999 hoặc năm 2009. Các hộ trong diện khảo sát tại mỗi EA trong diện khảo sát được lựa chọn trên cơ sở danh sách hộ mới nhất của EA đó (3 tháng trước đợt khảo sát).
Mẫu thiết kế bao gồm 3 cấp độ: xã/phường ở cấp độ 1, EA là đơn vị điều tra cấp độ 2 (Secondary Sampling Unit, SSUs) và hộ gia đình là cấp độ 3.
Đối tượng điều tra khảo sát
Đối tượng điều tra khảo sát của VHLSS bao gồm dân thường, những người không làm trong các cơ quan nhà nước của Việt Nam. Để nắm rõ được đối tượng điều tra, các cuộc phỏng vẫn đã được tiến hành ở cấp hộ. Vì các đối tượng khảo sát không ở cố định tại một nơi, nên quan trọng là phải ghi rõ nơi đối tượng sẽ được khảo sát để tránh việc tính thành 2 lần. Chỉ những người được coi là thành viên thường trú tại hộ đó mới được xếp vào diện khảo sát. Cả những người là thành viên thường trú của hộ nhưng tạm thời không có mặt cũng được xếp vào diện khảo sát. Đó là những người vắng mặt vì lý do đi nghỉ, ốm nhập viện, sinh viên xa nhà trong thời gian đi học. Tuy nhiện, các khu cho sinh viên thuê không nên đưa vào diện khảo sát, vì dữ liệu liên quan đến những sinh viên này có thể có được từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của họ.
Các hộ không thuộc diện khảo sát
Tống cục Thống kê đã quyết định đưa ra các tiêu chí lựa chọn đối tượng khảo sát cho VHLSS. Một số hộ có thế không thuộc diện khảo sát. Một ví dụ là các khu nhà cho sinh viên thuê. Mỗi hộ bao gồm nhiều phòng giống ký túc xá và được tính như một hộ gia đình thực sự. Tuy nhiên, thành viên tại các hộ không ổn định, thay đổi từ năm này qua năm khác. Ví dụ khác là các khu tập thể của các cơ quan (doanh trại quân đội, bệnh viện, trại giam ...).
Các địa bàn (EA) không thuộc diện khảo sát
Một số EA bao gồm phần lớn hoặc toàn bộ các hộ được tính có thể xếp vào diện khảo sát. Ngược lại những EA có chủ yếu hoặc toàn bộ các hộ không đủ tiêu chuẩn thì nên, nếu có thể, loại ra khỏi mẫu điều tra khảo sát (ví dụ: các khu hoàn toàn là nhà cho sinh viên thuê).
Đối tượng được xem là thành viên của hộ
Chủ hộ vẫn được coi là thành viên của hộ dù không sinh hoạt tại hộ trong vòng 6 tháng trở lên.
Trẻ em dưới 06 tháng tuổi cũng được coi là thành viên của hộ
Những người sẽ sống lâu dài tại hộ như con dâu, con rể, người thân quay về gia đình (về hưu, giải ngũ...) cũng được coi là thành viên của hộ dù những người này sống tại hộ đó dưới 6 tháng. Sinh viên sống xa gia đình nhưng được gia đình trợ cấp cũng được coi là thành viên của hộ.
Khách hay người thân sống tại hộ từ 06 tháng trở lên và ăn cùng gia đình cũng được coi là thành viên của hộ
Người làm thuê, giúp việc, người ở trọ hoặc khách nếu là thành viên của một hộ ở nơi khác thì không được coi là thành viên của hộ
Các cá nhân đã chết trong khoảng thời gian 12 tháng trước đó hoặc đã chuyển khỏi hộ và không có ý định quay lại không được tính là thành viên của hộ.
Các phương pháp thu thập số liệu VHLSS
Cuộc khảo sát áp dụng phương pháp phỏng vấn trực tiếp. Điều tra viên đến hộ, gặp chủ hộ và những thành viên trong hộ có liên quan để phỏng vấn và ghi thông tin vào phiếu phỏng vấn hộ gia đình. Đội trưởng đội khảo sát phỏng vấn lãnh đạo xã và các cán bộ địa phương có liên quan và ghi thông tin vào phiếu phỏng vấn xã. Để bảo đảm chất lượng thông tin thu thập, cuộc khảo sát không chấp nhận phương pháp khảo sát gián tiếp hoặc sao chép các thông tin từ các nguồn có sẵn khác vào phiếu phỏng vấn.
Thông tin khảo sát trong bộ dữ liệu VHLSS
Cấp độ hộ gia đình
Một số đặc điểm về nhân khẩu học của các thành viên trong hộ, gồm: Tuổi, giới tính, dân tộc, tình trạng hôn nhân.
Thu nhập của hộ gia đình, gồm: Mức thu nhập; thu nhập phân theo nguồn thu (tiền công, tiền lương; hoạt động sản xuất tự làm nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản; hoạt động ngành nghề sản xuất kinh doanh dịch vụ tự làm của hộ gia đình; thu khác); thu nhập phân theo khu vực kinh tế và ngành kinh tế.
Chi tiêu hộ gia đình: mức chi tiêu, chi tiêu phân theo mục đích chi và khoản chi (chi cho ăn, mặc, ở, đi lại, giáo dục, y tế, văn hoá, v.v… và chi khác theo danh mục các nhóm/khoản chi tiêu để tính quyền số chỉ số giá tiêu dùng).
Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật của từng thành viên hộ gia đình.
Tình trạng ốm đau, bệnh tật và sử dụng các dịch vụ y tế.
Tình trạng việc làm, thời gian làm việc.
Tài sản, nhà ở và các tiện nghi như đồ dùng, điện, nước, điều kiện vệ sinh.
Tham gia chương trình xoá đói giảm nghèo, tình hình tín dụng.
Quản lý điều hành và quản lý rủi ro
Cấp độ xã/phường
Một số tình hình chung về nhân khẩu, dân tộc.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chủ yếu, gồm: hiện trạng điện, đường, trường học, trạm y tế, chợ, bưu điện, nguồn nước.
Tình trạng kinh tế, gồm: Tình hình sản xuất nông nghiệp (đất đai, xu hướng và nguyên nhân tăng giảm sản luợng các cây trồng chính, các điều kiện hỗ trợ phát triển sản xuất như tưới tiêu, khuyến nông); cơ hội việc làm phi nông nghiệp.
Một số thông tin cơ bản về trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường.
Khai thác bộ dữ liệu VHLSS trong nghiên cứu
Bộ dữ liệu VHLSS là bộ dữ liệu chính thống, bao quát rất nhiều mặt của đời sống hộ gia đình, do vậy, VHLSS được sử dụng trong rất nhiều các nghiên cứu học thuật. Tất cả các dữ liệu này được lưu dưới định dạng .dta của phần mềm STATA. Sử dụng STATA hoặc các phần mềm thống kê khác để khai thác được nguồn dữ liệu này sẽ hình thành nên rất nhiều ý tưởng nghiên cứu khả thi và có ý nghĩa thực tiễn, có thể kể đến như:
Nghèo đói (Poverty): cả đơn chiều và đa chiều
Bất bình đẳng thu nhập (Inequality income)
Bất bình đẳng giới (Inequality gender)
An sinh xã hội (Social wealfare)
Mối quan hệ giữa tuổi cao & nghèo đói (ages and poverty)
Tác động của tự do hóa các dịch vụ công cơ bản đối với người nghèo và tầng lớp bình dân
Việc làm (Labour market)
Kiều hối (Remittances)
Di cư (Migration)
Thu nhập (Income): các yếu tố cấu thành, lương…
Tiêu dùng nhiên liệu – năng lượng (Fuel and Energy)
Thực phẩm (Food): hàm cầu các loại thực phẩm…
Y tế (Health): Chi tiêu y tế, công bằng y tế, bảo hiểm xã hội…
Giáo dục (Education): chi tiêu giáo dục, suất sinh lợi trong giáo dục…
Đô thị hóa và sự phát triển của nông thôn (Urbanization and rural development)
Tín dụng vi mô: tín dụng nông thôn, xóa đói giảm nghèo
Một số hạn chế của VHLSS
VHLSS không được thiết kế đặc biệt dành cho khảo sát khu vực phi chính thức. Vì vậy, trong lĩnh vực này VHLSS còn nhiều điểm yếu. Hai điểm yếu lớn nhất có thể liệt kê:
a) độ tin cậy: các câu hỏi liên quan đến khu vực kinh tế phi chính thức và thu nhập không được soạn một cách chi tiết cụ thể nhằm thu được toàn bộ thông tin về khu vực phi chính thức
b) thiếu đề cập đến một số yếu tố đặc thù: một số chỉ số quan trọng không được đưa vào các bảng hỏi (nguồn gốc đầu vào, đầu ra của các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, vốn, giá, khó khăn và nhu cầu...).
Do VHLSS được thiết kế chủ yếu để thu thập thông tin về chi tiêu và thu nhập nên các chỉ số về thị trường lao động bị hạn chế. Đặc biệt, không thể xác định chính xác lực lượng lao động thuộc về lĩnh vực chính thức hay không chính thức. Hơn nữa, đối với những người làm việc có thù lao, không nắm được họ có được đóng bảo hiểm xã hội hay không (đây là câu hỏi cốt yếu để xác định việc làm phi chính thức), mà chỉ biết số tiền trợ cấp xã hội mà họ được nhận.
Mặc dù bộ số liệu VHLSS cung cấp lượng thông tin rất lớn về các đặc trưng của hộ gia đình, mức chi tiêu và khả năng tiếp cận dịch vụ song một bất cập của VHLSS là bộ số liệu này không thể hiện chính xác về tình hình di cư không chính thức. Bất cập này có thể làm cho việc đánh giá tình trạng nghèo ở đô thị trở nên khó khăn và không cho phép đánh giá xem những người di cư không đăng ký có phải là nhóm người thiệt thòi trong tiếp cận các dịch vụ xã hội. Đồng thời, đơn vị phân tích trong điều tra mức sống hộ gia đình là các “hộ gia đình”. Do đó, bộ số liệu không thể hiện tình trạng nghèo của các thành viên trong từng hộ.
Nguồn dữ liệu: Tổng cục thống kê